KHI BỊ SỤP MI MẮT PHẢI LÀM GÌ
I) Sụp mi là gì?
Sụp mi mắt là sự sa của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường của nó. Chủ yếu là một bên hoặc cả 2 bên mi mắt trên sụp xuống, không mở lên được.
Sụp mi có 3 mức độ chính:
• Sụp mi mức độ nhẹ: Bờ mi nằm phía trên bờ đồng tử.
• Sụp mi mức độ trung bình: Bờ mi nằm trên diện đồng tử (che 1 phần của đồng tử).
• Sụp mi mức độ nặng: Bờ mi che toàn bộ diện đồng tử.
II) Theo Y học hiện đại: Nguyên nhân và Phân loại
1.Sụp mi bẩm sinh
– Chiếm khoảng 55% – 75% các trường hợp sụp mi. nguyên nhân chủ yếu do bất thường về cơ, bao gồm rối loạn, thay đổi kết cấu của các sợi cơ nâng mi, dẫn đến suy giảm chức năng của cơ nâng mi. Nguyên nhân hiếm gặp do gián đoạn dẫn truyền thần kinh – cơ.
2.Sụp mi mắc phải
– Sụp mi do tổn thương thần kinh (nguồn gốc trung tâm hoặc ngoại biên): Liệt vận nhãn, liệt thần kinh III, hội chứng khe rơi, hội chứng xoang hang, hội chứng cuống não…
– Sụp mi do cơ: Nhược cơ, bệnh cơ do ty lạp thể,…
– Sụp mi do chấn thương: chấn thương đụng dập, phẫu thuật hốc mắt, phẫu thuật thần kinh…
– Sụp mi do tác nhân cơ giới: u, sa da mi, sẹo…
– Sụp mi do cân: thường gặp ở người lớn tuổi, mi mỏng…
III) Theo Y học cổ truyền: Sụp mi mắt còn được gọi là Thượng bào hạ thuỷ
Điều trị sụp mi bằng y học cổ truyền
Hiện tại Bệnh viện y học cổ truyền điều trị sụp mi mắt mắc phải đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là các trường hợp sụp mi cơ năng, sụp mi do nhược cơ và chấn thương…
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc bằng YHCT đem lại hiệu quả như : Điện châm, xoa bóp bấm huyệt, cứu….
Điều trị sụp mi nói chung và liệt dây thần kinh III, IV do chấn thương, sau phẫu thuật bằng các phương pháp không dùng thuốc của Y học cổ truyền trên thực tế mang lại hiệu quả rất tốt cho bệnh nhân.
Bài và ảnh
Khoa Châm Cứu Dưỡng Sinh – BV Y học cổ truyền tỉnh Đăk Lăk