Tài sản quý báu nhất của con người đó là “Sức khỏe”. Đầu tư cho sức khoẻ là đầu tư cho sự phát triển giống nòi, xã hội, đất nước. Đồng thời mang lại chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, gia đình. Hiện nay, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được cải thiện đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao, vai trò của nhân viên y tế càng nặng nề, trong đó phải nói đến người điều dưỡng với công tác chăm sóc người bệnh.
Có thể nói, người đầu tiên đón em bé chào đời là người hộ sinh. Người nâng giấc, chăm sóc, an ủi người bệnh lúc đau yếu, những giờ phút cuối đời tại bệnh viện chính là người điều dưỡng. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do người điều dưỡng-hộ sinh cung cấp là trụ cột của hệ thống y tế. Luôn song hành với Bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đó là Người Điều dưỡng… Những người với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình.
Trong thời kỳ nào, người điều dưỡng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Chính sự tận tâm phục vụ, những hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần tạo nên sự thành công của các bệnh viện. Chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.
Điều dưỡng viên không chỉ là ngành nghề cao quý, thiêng liêng mà còn là nghề vô cùng vất vả, nếu lơ đãng sẽ khiến tình trạng bệnh nhân trở nên xấu hơn. Họ là người trực tiếp chịu trách nhiệm về sức khỏe, tinh thần của người bệnh mỗi ngày. Để trở thành một Điều dưỡng viên chuyên nghiệp họ phải trải qua một thời gian đào tạo hết sức căng thẳng và khốc liệt tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Điều dưỡng. Thực tế áp lực công việc luôn đè nặng trên đôi vai của mỗi nhân viên y tế dù họ đứng ở cương vị nào và điều dưỡng là một bộ phận chủ chốt, chiếm hầu hết nhân lực trong hệ thống Y tế ngày nay.
Thật đúng khi nói “Nghề Điều dưỡng như làm dâu trăm họ”. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, với những người đồng nghiệp, chúng tôi đã cùng nhau đi qua biết bao nhiêu kỉ niệm. Không ít anh chị em đón nhận những bức xúc của bệnh nhân, gia đình người bệnh, phơi nhiễm nghề nghiệp, cũng có lúc chúng tôi bị Bác sĩ phàn nàn vì chưa kịp làm theo y lệnh mặc dù chúng tôi đã chạy hết công suất của bản thân, không hiếm người đã có ý định chia tay với nghề…Nhưng sau tất cả chúng tôi lại như một gia đình, vì ai cũng một lòng mong bệnh nhân sớm khỏi bệnh được ra viện. Chúng tôi nhận được những bức thư cảm ơn, những cuộc điện thoại hay những món quà cây trái vườn nhà gửi đến khoa và bệnh viện. Dù giá trị vật chất không nhiều nhưng cũng làm chúng tôi ấm lòng, vững tin nghề mình đã chọn, yêu hơn màu áo trắng. Tôi luôn nhắn nhủ với đồng nghiệp, các bạn trẻ rằng: “ Làm công việc điều dưỡng lắm gian nan và vất vả, không phải là nghề để làm giàu cho bản thân. Những suy nghĩ và hành động của các bạn sẽ quyết định cho bao sinh mạng con người. Phải biết lấy niềm vui từ cuộc sống người bệnh để làm động lực đi tiếp, tinh thần thép để vượt qua vất vả, cám rỗ trong nghề. Có được như vậy các bạn mới vững bước là một điều dưỡng thực thụ”.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều điều dưỡng ngoài việc làm tròn trách nhiệm của mình, họ luôn quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ và động viên người bệnh. Thậm chí nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, đã nhận được sự động viên giúp đỡ từ điều dưỡng, cán bộ y tế khác và của bệnh viện, được tạo những điều kiện thuận lợi nhất cả về vật chất cũng như tinh thần để họ yên tâm điều trị. Biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng bởi những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với lòng yêu nghề, trách nhiệm, những chiến sỹ áo trắng của bệnh viện đã và đang cống hiến, hy sinh hết mình để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Bệnh viện Y học cổ truyền chúng tôi lấy phương châm “Sự hài lòng của người bệnh là niềm vui, hạnh phúc là tiền đề tạo nên uy tín, sự phát triển của bệnh viện”. Trong những năm qua, bệnh viện đã nỗ lực thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung cấp các dịch vụ y tế không chỉ đảm bảo chất lượng chuyên môn cao mà còn kèm theo tình cảm của người cung cấp dịch vụ được thể hiện qua lời nói, nét mặt, nụ cười, sự tôn trọng và thân thiện.
CN Nguyễn Thị Thanh (TP. Điều dưỡng – CTXH)