♥ Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của con người càng tăng cao, vấn đề đó được các quốc gia và toàn thế giới quan tâm. Mỗi ngày có hàng ngàn người trên thế giới bị chết từ những bệnh do thực phẩm sinh ra mà có thể phòng tránh được. Bệnh do thực phẩm gây ra đang là vấn nạn ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Điều này làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ nhỏ, người già và người bệnh.
♥ Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Do vậy, việc tuân thủ các bước an toàn vệ sinh thực phẩm có thể phòng tránh phần lớn các bệnh do thực phẩm gây nên. Tại Bệnh viện Y Học Cổ Truyền Tỉnh Đắk Lắk, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được Ban Lãnh đạo và toàn thể nhân viên chú trọng. Đặc biệt vào mùa nắng nóng cao điểm, bệnh viện đã phối hợp với căng tin thường xuyên kiểm tra, giám sát việc nhập nguyên liệu chế biến từ đầu vào cho đến công tác chuẩn bị, sơ chế và chế biến bảo quản, sử dụng thức ăn. Thường xuyên tuyên truyền các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm trên hệ thống loa phát thanh, treo các tranh ảnh ở các khoa nhằm nâng cao ý thức của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Các khoa phòng lồng ghép nhắc nhở người bệnh giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín, uống sôi, … vào các thời gian đi khám bệnh và sinh hoạt bệnh nhân tại khoa.
♥ Đối với Căng tin bệnh viện luôn thực hiện công tác vệ sinh nội, ngoại cảnh trước và ngay sau thời điểm các bữa ăn. Ký cam kết và tuân thủ nghiêm ngặt 5 bước cơ bản để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra:
1. Giữ sạch
- Rửa tay sạch trước và sau khi chế biến thực phẩm.
- Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.
- Rửa sạch tất cả dụng cụ đựng và chế biến thực phẩm, vệ sinh bếp sạch sẽ.
- Giữ cho khu vực bếp và thức ăn không có côn trùng, động vật lại gần.
2. Để riêng thực phẩm sống và chín
- Để riêng các loại thịt, gia cầm và thủy hải sản với các thực phẩm khác.
- Sử dụng riêng giao thớt cho thực phẩm sống và chín.
- Bảo quản thực phẩm sống và chín trong những đồ chứa riêng biệt.
3. Nấu kỹ
- Nấu chín kỹ thực phẩm đặc biệt là các loại thịt, gia cầm và thủy hải sản.
- Đun sôi thức ăn lỏng. Đối với thịt và gia cầm nấu chín không còn màu hồng.
- Thức ăn sau khi bảo quản cần đun sôi lại trước khi ăn.
4. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Không được bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.
- Bảo quản thức ăn chín hoặc dễ hỏng ở nhiệt độ dưới 5 độ.
- Giữ thức ăn đã nấu ở nhiệt độ 60 độ trước khi ăn.
- Không bảo quản thức ăn quá lâu kể cả trong tủ lạnh.
- Không được rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng.
5. Sử dụng nước sạch và thực phẩm an toàn
- Sử dụng nước sạch hoặc phải xử lý thành nước sạch an toàn trước khi sử dụng.
- Sử dụng thực phẩm tươi và an toàn rõ nguồn gốc.
- Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn như sữa tươi tiệt trùng.
- Rửa sạch rau, củ và quả chín dưới vòi nước chảy.
- Không sử dụng thực phẩm quá hạn.
“Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh ngộ độc và các bệnh do ngộ độc thực phẩm gây ra là trách nhiệm của toàn xã hội”
Một số hình ảnh tuân thủ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ghi nhận tại bệnh viện
Quầy pha chế và cửa hàng tiện lợi
Poster truyền thông được dán tại các khoa lâm sàng